HỒ ĐỘNG TIÊN 

Truyền thuyết kể rằng, tại đây ngày xưa có các nàng tiên xuống tắm và nằm ngủ trên những phiến đá. Vì thế hang mới có tên gọi là Hồ Động Tiên.

Khám phá hang là hành trình tham quan gồm có ba ngăn, lối qua các ngăn rất hẹp, chỉ đủ cho từng người qua một, càng đi vào sâu lòng hang càng tối.

Dọc trần ngăn thứ nhất có rất nhiều nhũ đá lấp lánh, rủ xuống như những tấm rèm, là cơ sở để đoán định rằng, phần nửa hang phía dưới đang bị chôn vùi trong lớp trầm tích còn có nhiều măng đá mọc lên để đỡ những cột nhũ kể trên.

Từ ngăn thứ hai có cửa thông ra biển qua hệ thống hang ngầm và khe nứt trong đá vôi. Người ta gọi những hồ nước kiểu này là áng (một phễu karst có phần đáy bị ngập nước). Đây là một loại môi trường sinh thái đặc biệt, vừa biệt lập vừa lưu thông vì thế trong các áng thường có hệ sinh vật đa dạng. Với những đặc trưng đó, hang là điểm đến thường xuyên của các lớp học giáo dục môi trường sinh thái (Ecoboat) và nhiều nhà nghiên cứu khoa học về cảnh quan, sinh vật tới tìm hiểu.

Đặc biệt ở ngăn thứ ba (Chén Ngọc) có một chùm nhũ đá lớn rủ xuống.  Việc ban quản lý vịnh Hạ Long không cấp phép đưa khách du lịch vào hang đã giúp cho các nhũ đá ở đây giữ nguyên được màu trắng sáng, phô diễn hết vẻ long lanh huyền bí của mình – Điều mà ở những hang động đã bị khai thác đại trà như Thiên Cung, Sửng Sốt, Đầu Gỗ… không bao giờ còn nữa. Hàng triệu tinh thể canxit ở trong Hồ Động Tiên ánh lên kỳ diệu, lấp lánh khi có ánh sáng chiếu vào. Ánh sáng nhẹ như vậy cũng là điều kiện rất lý tưởng để phát triển một số loại sinh vật đặc biệt ở hang.

Hồ Động Tiên có cấu trúc kiểu hang thềm điển hình, với đáy hang nằm cao hơn mực nước biển không nhiều, thậm chí vào mùa vịnh dâng thì bắt buộc phải tôn cao đường lên mới có thể vào được. Bên trong hang còn di tích của nhiều nền hang có dạng những “gác xép” kéo dài. Theo các nhà khoa học, đó là những phần có kết cấu tương đối chắc chắn bằng chất CaCO3 và nếu nghiên cứu chi tiết các mảng sót đó có thể giải thích cho tiến trình dâng, hạ của mực nước biển Hạ Long trong kỷ Đệ Tứ (khoảng 2 triệu – 1,6 triệu năm trước). Điều đó có ý nghĩa cực kì to lớn đối với việc khôi phục lịch sử địa chất của khu vực, để ta hiểu hơn và ghi thêm vào tư liệu quý giá về Hạ Long những thời xa xưa.